Bối cảnh Cảng Sài Gòn 0–2 Tổng cục Đường sắt (1976)

Sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đầu hàng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa chính thức giải thể, Chiến tranh Việt Nam kết thúc.[1][2] Với nhiệm vụ đặc biệt "tiếp quản thể thao miền Nam", chưa đầy hai tháng sau sự kiện 30 tháng 4, Tổng cục Thể dục thể thao Việt Nam đã thành lập đoàn cán bộ gồm 42 người làm nhiệm vụ "tiếp quản và gây dựng lại thể thao các tỉnh miền Nam". Theo ông Lê Bửu, nguyên Giám đốc Sở Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, đúng ba giờ sáng 24 tháng 6 năm 1975, 42 cán bộ Thể dục thể thao Việt Nam sau 20 ngày dự lớp bồi dưỡng tổ chức tại sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội đã lên đường vào Nam. Sau khi qua cầu Hiền Lương, đoàn lần lượt tiếp quản các cơ sở thể thao tại Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa cùng một số nơi khác. Đến 18 giờ chiều ngày 29 tháng 6 năm 1975, 16 cán bộ trong đoàn có mặt tại Sài Gòn. Tháng 10 năm 1975, Sở Thể dục thể thao thành phố chính thức thành lập, do Trương Tấn Bửu làm Giám đốc, Lê Bửu làm Phó Giám đốc. Ngày 2 tháng 9 năm 1975, nhân dịp Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sân vận động Cộng Hòa được đổi tên thành sân vận động Thống Nhất.[3] Kỷ niệm sự kiện này, một trận bóng đá đã được tổ chức giữa hai đội bóng miền Nam là Hải QuanNgân hàng dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ.[4][5] Có rất nhiều cổ động viên đã có mặt ở sân Thống Nhất hôm đó để theo dõi trận đấu, bất chấp cảnh báo "tắm máu" từ các báo đài nước ngoài.[6] Được thúc đẩy từ Hội nghị Hiệp thương thống nhất Việt Nam,[7] sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 25 tháng 4 năm 1976, Quốc hội Việt Nam thống nhất quyết định hợp nhất hai chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòaCộng hòa Miền Nam Việt Nam thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thành phố Sài Gòn cũng được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, theo tên cố chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[8][9][10] Cuộc chạm trán đầu tiên của hai nền bóng đá Nam – Bắc diễn ra vài tháng sau sự kiện trên với nhiều sự quan tâm từ cư dân thành phố, giới truyền thông Việt Nam cũng như quốc tế.[11][12] Ngay sau chuyến tập huấn tại Trung Quốc,[11] đội Tổng cục Đường sắt do huấn luyện viên Trần Duy Long dẫn dắt được cử vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận giao hữu với các đội bóng trong khu vực. Bên cạnh chuyên môn, cuộc so tài này còn đóng vai trò như một dịp "hội ngộ thể thao hai miền".[13] Đối thủ đầu tiên của họ là Cảng Sài Gòn, tiền thân là Đội bóng đá Tổng nha Thương cảng.[14] Hàng ngũ đội bóng này đa phần gồm nhiều cầu thủ mới chuyển đến từ Đội bóng đá Không Quân.[4]

Nền bóng đá hai miền Nam, Bắc lúc bấy giờ đều gặt hái những thành tựu riêng. Bóng đá miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đã đạt đến tầm châu lục với thứ hạng cao tại các giải đấu thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Họ có những chiến thắng trước đội tuyển trẻ của Liên Xô, Đông Đức và thi đấu ngang ngửa với các đội như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên.[15][16] Trong khi đó, bóng đá miền Nam, mà đại diện là Đội tuyển Việt Nam Cộng hòa, có lần đầu tiên đoạt huy chương vàng tại kì SEAP Games 1959 ở Thái Lan,[17][18] giành thắng lợi tại Giải bóng đá Merdeka 1966,[19][20] từng đánh bại nhiều đối thủ như Hàn Quốc,[21] Nhật Bản, Israel.[22][23] Thành lập năm 1956,[24] Tổng cục Đường sắt là một đội bóng với nhiều nhân tố trẻ, còn Cảng Sài Gòn là tập hợp những cầu thủ thiên về kĩ thuật và giàu kinh nghiệm.[14][25] Mai Đức Chung, người góp mặt trong trận cầu đó chia sẻ: "Việc Tổng cục Đường sắt được chọn là có lý do đặc biệt, bởi thời điểm ấy rất mạnh, chỉ đứng sau Thể Công, từng nhiều lần là Á quân và vừa đoạt chức vô địch Công đoàn miền Bắc. Hơn nữa, việc cử một đội bóng đại diện cho công nhân ngành đường sắt càng có ý nghĩa và hợp lý khi lúc đó tuyến đường sắt Bắc – Nam sắp khánh thành".[26] Còn về phần Cảng Sài Gòn, theo lời Lê Bửu, ông lựa chọn đội bóng này vì họ "cũng là đội bóng của giai cấp công nhân và là đội bóng lớn nhất phía Nam và cả nước".[16] Trước khi lên đường, các cầu thủ Tổng cục Đường sắt được dặn dò phải "đá sao cho hòa hợp hai miền để hai đội đá được thống nhất nhau".[27] Trong lúc đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng liên hệ trực tiếp với Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh để bàn bạc về một số vấn đề có liên quan.[25] Khi các thành viên Tổng cục Đường sắt đáp xuống nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất, thay mặt toàn đội Cảng Sài Gòn, đội trưởng Phạm Huỳnh Tam Lang đã đến đón tiếp, tặng hoa, bắt tay thủ quân Tổng cục Đường sắt Phạm Kỳ Thụy.[26]